Xã Sán Chải, Nhiều khó khăn trong quản lý lao động đi làm thuê
Thứ sáu - 10/08/2018 15:07
Theo rà soát của xã Sán Chải, phần lớn người lao động rời địa phương đi làm thuê là bên nước bạn Trung Quốc. Với việc nhập cảnh trái phép vào nước bạn làm thuê, người lao động Việt Nam sẽ gặp rất nhiều rủi ro, cả về tính mạng cũng như công sức lao động bỏ ra. Nhiều trường hợp đã bị lực lượng chức năng nước bạn tạm giữ xử phạt hành chính, cụ thể là 24 trường hợp lao động của xã Sán Chải đầu năm nay đã bị lực lượng chức năng của nước bạn buộc về nước vì nhập cảnh trái phép. Một số lao động đi làm thuê tại nước bạn bị chủ thuê làm quỵt tiền công, nhưng không biết làm thế nào vì những người lao động này hiện đang cư trú bất hợp pháp bên nước bạn. Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình trên địa bàn xã, Tuy nhiên, tình trạng lao động tự do sang Trung Quốc làm thuê trái phép vẫn diễn ra khá phổ biến.
Là địa bàn có trên 2,5 km đường biên tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc, người dân của xã, rất thông thạo địa hình, nên người dân thường lợi dụng khi trời tối để vượt biên sang nước bạn. Con số gần 500 lượt người đang làm thuê tại nước bạn Trung Quốc mới chỉ là thống kê những người đi làm dài ngày từ vài tháng đến 1 năm còn trên thực tế có lẽ còn hơn nhiều, vì một số người dân vượt biên theo hình thức “sáng vượt biên giới đi làm, tối lại vượt biên giới trở về nước”.
Người lao động tự phát sang Trung Quốc lâu nay, phần lớn là do kinh tế gia đình khó khăn, tiền từ lao động làm thuê bên nước bạn tính theo ngày là khá cao với những công việc phổ thông, không đòi hỏi về chuyên môn nghiệp vụ như đào hố, trồng cây, bốc vác, xây dựng…với ngày công từ 250 – 350 nghìn đồng/ ngày, tùy theo sản phẩm cuối ngày của mỗi lao động. So với làm nông nghiệp thuần túy tại địa phương thì thu nhập mỗi ngày của một lao động cao hơn nhiều lần.
Hầu hết các trường hợp đi lao động trái phép đều có hoàn cảnh rất khó khăn, cũng chỉ vì miếng cơm, manh áo mà nhiều gia đình đã bất chấp những hệ lụy để vượt biên sang trung quốc làm thuê. Chia sẻ với chúng tôi anh Giàng Seo Sùng, Trưởng Công an xã Sán Chải cho biết: Hầu hết người dân khi làm giấy thông hành qua đều lấy lý do đi thăm người thân hoặc buôn bán, nhưng thực chất là đi tìm công việc làm thuê kiếm thêm thu nhập. Những trường hợp này xã không thể ngăn cấm, chỉ biết thăm hỏi tình hình an toàn lao động và công xá khi trở về địa bàn, tuy nhiên, những trường hợp làm giấy thông hình thì chỉ ở con số vài chục người, Còn những trường hợp vượt biên trái phép là khá nhiều, chính quyền xã thực sự rất khó kiểm soát.
Hiện nay, thôn Ngải Pản có 51 hộ với 280 nhân khẩu thì có tới 70 nhân khẩu đang đi lao động làm thuê trái phép bên nước bạn. Các lao động này thường đi vài tháng có khi cả năm mới về. Một số có về là do gia đình có việc hệ trọng, song lại đi luôn. Ngay trong mấy ngày gần đây, theo thông tin của trưởng thôn đã đã có 1 trường hợp đi làm thuê trở về địa phương, nhưng sau khi song việc anh lại vội vã lên đường ngay, mặc dù chính quyền xã đã chủ động xuống hỏi thăm cũng như nắm bắt tình hình, đồng thời vận động anh làm thủ tục thông hành theo đúng quy định của nhà nước. Tuy nhiên, ngay tối hôm đó sau khi song công việc gia dình, anh đã dời khỏi địa phương tiếp tục vượt biên sang Trung quốc làm thuê.
Nhu cầu tìm kiếm việc làm để tăng thêm thu nhập của người dân địa phương là chính đáng, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhưng với hình thức tự liên hệ công việc, bà con dễ bị lợi dụng sức lao động, mất an toàn lao động... Bên cạnh đó, người dân tự ý vượt biên đi làm thuê cũng là những hành vi vi phạm pháp luật cần phải có giải pháp để không ảnh hưởng đến việc quản lý, đảm bảo tình hình, an ninh trật tự xã hội tại địa phương./.
Tác giả bài viết: Tiến Sỹ.