Tổng quan về huyện Si Ma Cai

Vùng núi phía Bắc Việt Nam có những địa danh gắn liền với những truyền tích xưa mang ý nghĩa thần thoại Rồng - Tiên. Theo truyền thuyết dân gian, Si Ma Cai là vùng đất in dấu chân ngựa thần. Ngày ấy có con Rồng của nhà trời đi kinh lý, đến Si Ma Cai thấy cảnh bồng lai nên hóa thành con ngựa to cao khác thường, vì thích thú núi sông hùng vĩ, ngựa thần đã rảo bước khắp vùng Si Ma Cai. Người dân nhìn thấy gọi là ngựa lạ (mới), vì vóc dáng cao to, hùng dũng lạ thường của ngựa thần. Cũng trong thời điểm này, để cho giao thương hàng hóa thuận tiện, chợ phiên được di chuyển từ khu Phố Cũ lên khu Phố Mới, mọi người liền gọi địa danh này là chợ ngựa mới để phân biệt với khu chợ cũ.
Địa danh Si Ma Cai, theo phiên âm tiếng H Mông là Xênh Mùa Ca, có nghĩa là chợ ngựa mới. Cái tên Si Ma Cai được hình thành từ đó.

Tổng quan về huyện Si Ma Cai

Trung tâm huyện Si Ma Cai

Si Ma Cai nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Lào Cai, cách thành phố Lào Cai chừng 95 km. Si Ma Cai giáp với huyện Mường Khương (Lào Cai) ở phía tây, huyện Mã Quan (tỉnh Vân NamTrung Quốc) ở phía Bắc, huyện Bắc Hà ở phía Nam, và huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang) ở phía Đông.
Ngày 15/11/1966, Hội đồng Chính phủ có Quyết định số 146/CP thành lập huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, gồm 16 xã. Năm 1980, huyện Si Ma Cai sáp nhập với huyện Bắc Hà gọi là huyện Bắc Hà, gồm 39 xã. Ngày 18/8/2000, Chính phủ ban hành Nghị định 36/NĐ-CP tái lập huyện Si Ma Cai gồm 13 xã, trong đó huyện lỵ đóng tại xã Si Ma Cai. Năm 2020, huyện sáp nhập 5 xã thành 2 xã, đồng thời xã Si Ma Cai được nâng cấp thành thị trấn. Huyện hiện có 1 thị trấn và 9 xã, tổng diện tích tự nhiên 23.457 ha và có hơn 37 nghìn người, bao gồm 15 dân tộc, trong đó chủ yếu là người H Mông (chiếm 81,24%).
Sau  70 năm thành lập và 20 năm tái lập, Đảng bộ huyện không ngừng phát triển, trưởng thành, hội tụ những kinh nghiệm, tạo nền tảng quan trọng trong công tác lãnh, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nghị quyết các kỳ đại hội Đảng bộ huyện, đặc biệt là nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong huyện luôn phát huy tinh thần đoàn kết, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau luôn cao hơn năm trước, trung bình đạt 10,7%/năm; cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch đúng hướng, tập trung phát triển một số loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao gắn với ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất đã tạo thương hiệu cho các sản phẩm đặc hữu của địa phương, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác, năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt 31,5 triệu đồng. Lâm nghiệp được coi trọng; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp duy trì đà tăng trưởng. Các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch diễn ra sôi động. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có bước đột phá, diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều thay đổi.
          Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, sự nghiệp giáo dục, y tế tiếp tục phát triển; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, thực hiện tốt; tỷ lệ giảm nghèo nhanh, đến nay tỷ lệ hộ nghèo còn 12,35%; bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc được bảo tồn, tệ nạn xã hội từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.
Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Coi trọng công tác lý luận gắn với thực tiễn; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu, ngày càng thực chất, trở thành việc làm thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân, sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ, góp phần nhân lên những tấm gương cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực. Công tác phát triển đảng viên được chú trọng, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên không ngừng được nâng lên; công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường. Công tác dân vận đạt được những kết quả quan trọng, góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có nhiều đổi mới; hoạt động tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân được duy trì thường xuyên, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc ngay tại cơ sở, không để xảy ra các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn.
Người dân Si Ma Cai vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống, mộc mạc, giàu lòng tương thân, tương ái, thấm đẫm tình người. Nhưng vẫn còn những nét hoang sơ, chưa bị đô thị hóa. Các tầng lớp nhân dân trong huyện luôn luôn đoàn kết, phát huy bản chất cần cù, sáng tạo, chung tay cùng cấp ủy đảng, chính quyền xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, đáp ứng niềm tin, kỳ vọng của lãnh đạo và nhân dân các dân tộc trong tỉnh cùng bạn bè muôn phương./.
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây